Hợp đồng sửa chữa, cải tạo nhà cũ: Những điều cần biết để tránh rủi ro

Việc có một hợp đồng rõ ràng và đầy đủ là vô cùng quan trọng khi sửa chữa, cải tạo nhà cũ. Nó sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình, tránh những rắc rối không đáng có và đảm bảo công trình được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng.

Khi bắt tay vào dự án cải tạo nhà cũ, gia chủ chắc chắn cần phải thực hiện ký kết hợp đồng rõ ràng, cụ thể với đơn vị đứng ra nhận thầu. Hợp đồng sửa chữa, cải tạo nhà là một văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, đóng vai trò như một “bản giao kèo” giữa chủ nhà và nhà thầu.

Hợp đồng sẽ quy định rõ ràng về phạm vi công việc, chất lượng công trình, tiến độ thi công, chi phí, chế độ bảo hành,… là cơ sở để chủ nhà yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng cam kết. Đây sẽ là căn cứ giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, bản hợp đồng còn giúp hai bên theo dõi tiến độ và chất lượng công việc một cách chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, tránh tranh cãi không đáng có. .

Vậy, để có một bản hợp đồng hoàn chỉnh, gia chủ cần lưu ý các thông tin dưới đây!

Thông tin các bên

Để đảm bảo quá trình thi công diễn ra suôn sẻ, hợp đồng cần bao gồm đầy đủ thông tin của các bên liên quan.

Về phía chủ nhà, cần ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại và thông tin chi tiết về căn nhà cần sửa chữa, bao gồm diện tích, số tầng, loại nhà và tình trạng hiện tại.

Đối với đơn vị thi công, hợp đồng cần ghi rõ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, giấy phép kinh doanh và hồ sơ năng lực, trong đó có kinh nghiệm thi công các dự án tương tự, dự án đã thực hiện và bằng cấp chứng chỉ của đội ngũ kỹ thuật.

Hợp đồng sửa chữa nhà bảo vệ quyền lợi của cả chủ nhà và nhà thầu, giúp quá trình thi công diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng công trình.

Nội dung công việc

Một phần không thể thiếu trong hợp đồng sửa chữa, cải tạo nhà là nội dung công việc. Phần này cần được liệt kê chi tiết và rõ ràng để cả chủ nhà và nhà thầu cùng nắm rõ. Cụ thể, hợp đồng phải ghi rõ các hạng mục công việc cần thực hiện, từ việc sửa chữa những vị trí hư hỏng đến việc cải tạo, nâng cấp không gian sống. 

Ngoài ra, việc sử dụng loại vật liệu nào cho từng hạng mục cũng cần được quy định cụ thể đồng thời cần đính kèm bản vẽ thiết kế (nếu có) vào hợp đồng. Cuối cùng, hợp đồng ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc dự kiến cho từng giai đoạn công việc để đảm bảo công trình được hoàn thành đúng hạn.

Vật liệu xây dựng

Chất lượng, nguồn gốc và nhãn hiệu của từng loại vật liệu sử dụng cũng cần xuất hiện cụ thể trong bản hợp đồng. Chủ nhà có quyền yêu cầu nhà thầu cung cấp chứng chỉ chất lượng của các loại vật liệu trước khi thi công. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng cần làm rõ trách nhiệm cung cấp vật liệu. Liệu chủ nhà hay nhà thầu sẽ là người chịu trách nhiệm mua và vận chuyển vật liệu? Trong trường hợp cần thay đổi loại vật liệu, cả hai bên cần thống nhất và bổ sung vào hợp đồng.

Sử dụng vật liệu kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho công trình.

Chi phí, hình thức thanh toán và bảo hành

Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, hợp đồng cần quy định rõ hình thức thanh toán. Thông thường, hình thức thanh toán sẽ được thực hiện theo tiến độ thi công, tức là chủ nhà sẽ thanh toán từng khoản theo từng giai đoạn hoàn thành công việc. Tuy nhiên, các bên cũng có thể thỏa thuận hình thức thanh toán một lần. Ngoài ra, hợp đồng cần có điều khoản về các chi phí phát sinh thêm, để nếu xảy ra trường hợp này cả hai bên cần thống nhất và có quy định cụ thể về cách thức tính toán và phê duyệt để tránh tranh chấp. Chủ nhà có thể bảo lưu một phần thanh toán để đảm bảo nhà thầu hoàn thành công việc đúng tiến độ và chất lượng.

Đối với phần bảo hành trong hợp đồng, gia chủ lưu ý thời hạn bảo hành và trách nhiệm bảo hành. Thời hạn bảo hành cho từng hạng mục công việc được quy định rõ ràng giúp chủ nhà biết được trong thời gian bao lâu, nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa nếu có vấn đề phát sinh. Trách nhiệm bảo hành thường thuộc về nhà thầu. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục những lỗi kỹ thuật, hư hỏng do chất lượng thi công kém trong suốt thời gian bảo hành.

Các điều khoản

Ngoài các lưu ý kể trên, gia chủ cũng nên bổ sung vào bản hợp đồng các điều khoản khác như 

  • Cách thức giải quyết tranh chấp: Nếu xảy ra tranh chấp, các bên sẽ giải quyết như thế nào.
  • Điều kiện chấm dứt hợp đồng: Trong trường hợp nào thì hợp đồng có thể bị chấm dứt.
  • Lực lượng thi công: Số lượng công nhân, kỹ sư tham gia thi công.
  • An toàn lao động: Các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
  • Vệ sinh môi trường: Cách thức giữ gìn vệ sinh công trình trong quá trình thi công.

Đừng quên tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị thi công trước khi lựa chọn, yêu cầu họ báo giá chi tiết, luôn đọc kỹ hợp đồng trước khi ký và nếu không am hiểu về xây dựng, bạn nên nhờ người có kinh nghiệm tư vấn.

Càng tìm hiểu kĩ càng, bạn sẽ có một bản hợp đồng sửa chữa nhà hoàn hảo

Trên đây chỉ là những thông tin chung, để có một hợp đồng sửa chữa nhà hoàn chỉnh và phù hợp với từng trường hợp cụ thể, bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc các chuyên gia xây dựng.

 

Để lại một bình luận